Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐCTẾ

 


ĐINH THỊ HIỀN[1]


I. NHIỆM VỤ

Ngày 11/7/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2003/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) Giai đoạn 2003-2010 (sau đây gọi tắt là Quyết định 137). Quyết định chỉ rõ: Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những điều kiện tiên quyết để nước ta hội nhập thành công trên tinh thần tranh thủ được ngoại lực, phát huy được nội lực, giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo đảm độc lập tự chủ. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2010 đào tạo được đội ngũ những người làm công tác HNKTQT thông thạo về nghiệp vụ, ngoại ngữ, am hiểu luật pháp quốc tế, đáp ứng được những yêu cầu của HNKTQT.

Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương (Bộ Thương mại trước đây) Được giao nhiệm vụ là một trong những đầu mối quan trọng để thực hiện các mục tiêu đề ra. Cụ thể là, chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, trang bị kiến thức cơ bản về HNKTQT cho các đối tượng cán bộ, công chức; Tổ chức biên soạn chương trình và phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức bồi dưỡng trang bị kiến thức nâng cao; Tổ chức biên soạn, phối hợp với các bộ, ngành biên soạn các chương trình và tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về HNKTQT trên các lĩnh vực với mục đích góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực đưa đất nước chủ động, tích cực hội nhập như Đảng, Chính phủ đã đề ra. Trong 7 năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công thương, được sự hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công thương Trung ương (Trường cán bộ Thương mại trước đây) Đã quán triệt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hội nhập, góp phần đắc lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

1. Phổ biến, trang bị kiến thức cơ bản về HNKTQT cho cán bộ, công chức

Nhiệm vụ phổ biến, trang bị kiến thức cơ bản về HNKTQT cho cán bộ, công chức được xác định như là giai đoạn 1 của việc thực hiện Quyết định 137. Nhiệm vụ này, về cơ bản, yêu cầu tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2003-2006. Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công thương Trung ương đã tập trung thực hiện các công việc sau:

- Phổ biến tuyên truyền, giải thích chủ trương hội nhập KTQT của Đảng và Nhà nước để đạt sự đồng thuận về mặt nhận thức và nhất quán về hành động trong toàn xã hội.

- Tổ chức khảo sát và nghiên cứu nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng trang bị những kiến thức cơ bản về HNKTQT và biên soạn chương trình, tài liệu. Việc khảo sát, nghiên cứu được tổ chức thực hiện công phu với sự tham gia của các đối tượng cán bộ, công chức công tác trong các lĩnh vực khác nhau và đội ngũ chuyên gia - những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, tham gia đàm phán với các tổ chức quốc tế. Kết quả là, trên cơ sở khảo sát và nghiên cứu chọn lọc từ nhiều vấn đề được đề xuất, Trường đã trình và đề nghị lãnh đạo Bộ Công thương phê duyệt khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng trang bị kiến thức cơ bản về HNKTQT bao gồm 5 chuyên đề. Chương trình, tài liệu được phê duyệt, xuất bản năm 2004 là tài liệu phổ biến kiến thức cơ bản về hội nhập KTQT sử dụng thống nhất trong cả nước. Từ chương trình khung đó, Trường đã đề nghị đội ngũ chuyên gia đầu ngành nghiên cứu, xây dựng giáo trình phù hợp cho các khoá bồi dưỡng dành cho các đối tượng công tác trong các lĩnh vực khác nhau và cho địa phương.

- Xây dựng đội ngũ giảng viên. Để triển khai chương trình trong cả nước và đảm bảo tiến độ quy định, Trường đã tổ chức các khoá tập huấn đội ngũ giảng viên. Nhà trường chủ động mời các đồng chí là những chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành đã và đang công tác trên các lĩnh vực về hội nhập tham gia công tác giảng dạy. Chương trình tập huấn không bó hẹp trong phạm vi tài liệu đã ban hành mà được mở rộng, với những thông tin về thực tế diễn biến của xu hướng toàn cầu hoá và những vấn đề thời sự kinh tế quốc tế quan trọng. Nhờ đó đã góp phần đưa những thông tin mới nhất về HNKTQT tới các học viên.

Kết quả đạt được: Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, được sự hỗ trợ, phối hợp đầy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nên trong các năm 2004-2007 Nhà trường đã tổ chức triển khai đồng bộ kế hoạch bồi dưỡng, trang bị kiến thức cơ bản về HNKTQT trên cả nước. Đã tổ chức 393 khoá bồi dưỡng với 51.364 lượt người tham gia; Trong đó phần lớn là cán bộ, công chức làm công tác HNKTQT ở các bộ, ngành trung ương và địa phương, cán bộ quản lý các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng.

2. Bồi dưỡng kiến thức nâng cao về HNKTQT

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức nâng cao về HNKTQT là nhiệm vụ giai đoạn 2 của việc thực hiện Quyết định số 137. Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Quyết định 137 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu nâng cao kiến thức cho các đối tượng tham gia HNKTQT để hội nhập thành công; Giúp các đối tượng tham gia học tập nắm được các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tận dụng tốt những cơ hội và hạn chế những thách thức do gia nhập WTO, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công thương Trung ương đã tổ chức biên soạn chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức HNKTQT. Cuốn tài liệu “Các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam” được các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành trực tiếp tham gia quá trình đàm phán gia nhập WTO biên soạn. Nội dung tập trung vào các vấn đề lớn, mang tính thời sự, như: Các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ; Các quy định về quyền sở hữu trí tuệ của WTO và các cam kết của Việt Nam; Rào cản thương mại quốc tế hiện đại và cam kết của Việt Nam; Biện pháp chống bán phá giá; Chống trợ cấp và tự vệ của WTO; Các biện pháp liên quan đến thương mại môi trường và những vấn đề đặt ra sau khi Việt Nam tham gia WTO; Vấn đề cạnh tranh thương mại sau khi Việt Nam gia nhập WTO v.v..

Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện kế hoạch của Bộ Công thương, trong các năm 2008-2009, Nhà trường đã tập trung tổ chức các khoá bồi dưỡng nâng cao kiến thức HNKTQT. Kết quả là, trong 2 năm đã tổ chức được 213 khoá với 26.376 lượt người tham gia. Khác với giai đoạn 1, trong giai đoạn 2, đối tượng tham gia về cơ bản là cán bộ, công chức làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến hội nhập, cán bộ quản lý doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, trong đó có nhiều người là giảng viên các trường đại học, cao đẳng.

3. Chuẩn bị tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và đào tạo đội ngũ chuyên gia về HNKTQT

Đây là nhiệm vụ giai đoạn 3 của kế hoạch, thực hiện trong các năm 2009-2010. Để thực hiện mục tiêu bồi dưỡng chuyên sâu và đào tạo đội ngũ chuyên gia cho HNKTQT theo Quyết định 137, Nhà trường phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn 7 tài liệu chuyên sâu về các lĩnh vực cơ bản: Các hiệp định của WTO về thương mại quốc tế; Giới thiệu về vòng đàm phán DOHA; Cạnh tranh, chống bán phá giá và trợ cấp; Chuyên sâu về sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại; Chuyên sâu về môi trường liên quan đến thương mại; Các vấn đề về ASEAN và ASEAN + 3; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong HNKTQT. Tài liệu cho chương trình bồi dưỡng chuyên sâu hoàn thành năm 2009, Nhà trường tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2010.

III. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ

Sau 7 năm thực hiện Quyết định 137 của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương, rút ra một số đánh giá sau:

Một là, trong 7 năm qua, Trường luôn bám sát các mục tiêu của Quyết định 137 và nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Công thương giao. Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định, Bộ Nội vụ, với chức năng là đơn vị chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, đã có những hướng dẫn kịp thời, định kỳ tổ chức đánh giá, điều chỉnh phù hợp đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hoạt động của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hai là, tuy là một nội dung đào tạo, bồi dưỡng mới và việc tổ chức thực hiện còn có những bỡ ngỡ, vướng mắc ban đầu, nhưng đến nay có thể khẳng định, việc tổ chức bồi dưỡng phổ cập kiến thức về HNKTQT và bồi dưỡng kiến thức nâng cao về cơ bản đã hoàn thành. Đây là điều kiện tốt để tập trung vào việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức chuyên sâu và xây dựng đội ngũ chuyên gia trong năm 2010.

Ba là, kinh nghiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức về HNKTQT trong những năm qua cho thấy đội ngũ giảng viên và báo cáo viên rất quan trọng, quyết định chất lượng bồi dưỡng. Điều này càng quan trọng trong thời gian tới với nhiệm vụ tập trung trang bị kiến thức chuyên sâu và xây dựng đội ngũ chuyên gia. Do đó, cần gấp rút chuẩn bị đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, kể cả việc mở các lớp tập huấn.

Một số kiến nghị:

- Đối với Chính phủ, Bộ Nội vụ: Đề nghị coi nhiệm vụ bồi dưỡng, trang bị kiến thức về HNKTQT là nhiệm vụ thường xuyên và là một phần của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Bởi vậy, cần có sự tham mưu, chỉ đạo cụ thể để tiếp tục hoạt động này từ sau năm 2010 (năm Quyết định 137 hết hiệu lực).

- Đối với Bộ Tài chính: Tiếp tục bố trí ngân sách từ sau năm 2010 để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, trang bị kiến thức về HNKTQT và xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Việc đào tạo, trang bị kiến thức chuyên sâu và chuyên gia rất tốn kém do phải mời các chuyên gia nước ngoài; Do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với cách thức đào tạo này.

- Đối với Bộ Công thương: Tiếp tục tạo điều kiện cho Trường tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về HNKTQT cho những bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện; Chỉ đạo Trường và các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả nhiệm vụ trang bị kiến thức chuyên sâu và đào tạo chuyên gia. Bộ Công thương nghiên cứu, đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục coi trọng nhiệm vụ trang bị, cập nhật kiến thức về HNKTQT trong những năm tiếp theo và coi đây là một trong những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo của Bộ.

- Đối với các bộ, ngành và địa phương: Để thực hiện nhiệm vụ trang bị kiến thức chuyên sâu và đào tạo chuyên gia trong thời gian tới, rất cần sự tham gia chủ động của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các bộ, ngành có các hoạt động trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế 





[1] Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công thương Trung ương



============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét