Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

ĐỔI MỚI VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC THANH NIÊN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY



ĐỔI MỚI VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ
CÔNG TÁC THANH NIÊN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

THS. NGUYỄN HOÀNG OANH
Vụ trưởng Vụ Tổng  hợp, Bộ Nội vụ

T
hanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đồng thời, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Thực trạng quản lý nhà nước về công tác thanh niên
Về phương diện lý luận, quản lý nhà nước là sự tác động có điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với đối tượng quản lý nhằm thực hiện mục tiêu đề ra. Do vậy, để quản lý có hiệu quả trước hết cần phải xác định rõ chủ thể quản lý, đối tượng quản lý và phương pháp quản lý phù hợp với từng chủ thể và khách thể. Tuy nhiên, nếu phân tích và đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong thời gian qua với cách tiếp cận của khoa học quản lý và lịch sử thấy nổi lên vấn đề chưa xác định rõ được cơ quan nào làm chủ thể quản lý nhà nước về thanh niên thì phù hợp với tính chất và đặc thù công tác thanh niên. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn từ 1945 đến 1954:
Ngay trong những năm đầu tiên của chính quyền dân chủ nhân dân, công tác thanh niên đã được thể chế hoá. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã lập Bộ Thanh niên để quản lý về mặt nhà nước đối với công tác thanh niên. Lúc này, bên cạnh tổ chức Đoàn thanh niên Cứu quốc (tổ chức thanh niên Cộng sản) có Liên đoàn thanh niên Việt Nam được thành lập để đoàn kết, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp thanh niên trong công cuộc kháng chiến - kiến quốc. Như vậy, những tiền đề để hình thành hệ thống thể chế và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về  công tác thanh niên đã được đặt nền móng ngay sau ngày thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và ngay trong những năm tháng kháng chiến để giành lại độc lập, dân tộc, thống nhất đất nước. Điều đó một lần nữa khẳng định Đảng và Nhà nước ta đã thấy rõ sự cần thiết, vị trí và vai trò của Nhà nước đối với công tác này.
- Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước:
Trong giai đoạn này, toàn Đảng, toàn dân ta phải tập trung mọi nguồn lực và tinh thần để xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “công tác thanh niên phải liên hệ vào lực lượng của Chính phủ”, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo Chính phủ không thành lập tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên mà giao nhiệm vụ này cho các bộ, ngành ở trung ương có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cụ thể đối với thanh niên với chức năng quản lý nhà nước theo ngành và theo lĩnh vực được Chính phủ phân công.
- Giai đoạn từ năm 1975 đến trước những năm đổi mới:
Trong giai đoạn này, mặc dù chưa hình thành tổ chức của Chính phủ để quản lý nhà nước về thanh niên, nhưng vai trò quản lý nhà nước về công tác thanh niên được tăng cường một bước cả trong nhận thức và thực tiễn. Điều đó được khẳng định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 1/7/1985 của Bộ Chính trị khoá V về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên” đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương phải xác lập cơ chế và mối quan hệ trong công tác thanh niên, đó là “coi công tác thanh niên là một bộ phận quan trọng của chiến lược kinh tế - xã hội”. Đặc biệt, trong Nghị quyết 26-NQ/TW Bộ Chính trị đã khẳng định cần sớm ban hành Luật thanh niên để bảo đảm và phát huy quyền làm chủ tập thể của tuổi trẻ.
Tuy nhiên, từ thực tiễn quản lý cho thấy, do chưa có tổ chức bộ máy của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên nên nhiệm vụ này được giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện. Song với địa vị pháp lý của tổ chức đoàn, việc quản lý nhà nước về công tác thanh niên là không phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của một đoàn thể nhân dân trong hệ thống chính trị nên hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh niên chưa đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra.
- Giai đoạn từ năm 1986 đến nay:
Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII một lần nữa khẳng định “lập cơ quan phụ trách công tác thanh niên của Chính phủ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan chính quyền với tổ chức thanh niên”. Như vậy, một lần nữa Nghị quyết của Đảng lại tiếp tục khẳng định vai trò quản lý nhà nước về công tác thanh niên và giao cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, trước nhu cầu và thực tiễn quản lý, ngày 12/6/1993 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/CP về việc thành lập Uỷ ban thanh niên Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng “giúp Chính phủ quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác thanh niên”. Tuy nhiên, trên thực tế tổ chức này chỉ hoạt động được 2 năm và giải thể theo Kết luận số 264-BBK/BCT ngày 28/2/1995 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần cải cách hành chính. Do vậy, chưa có đủ thời gian để đánh giá hiệu quả hoạt động của Uỷ ban thanh niên Việt Nam.
Trước yêu cầu cần có một tổ chức giúp Thủ tướng Chính phủ giải quyết những công việc có tính chất liên ngành về công tác thanh niên, ngày 13/2/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/1998/QĐ-TTg  về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam với chức năng “giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành về thanh niên”. Theo đó, Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của công tác thanh niên theo ba nội dung sau:
a. Đề xuất và kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách về thanh niên.
b. Tổ chức việc phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế thực hiện pháp luật và chính sách đối với thanh niên.
c. Thực hiện các hoạt động đối ngoại về mặt nhà nước trong lĩnh vực thanh niên.
Về cơ cấu tổ chức và nhân sự, Uỷ ban quốc gia về thanh niên theo quy định tại Quyết định số 36/1998/QĐ-TTg  được bố trí như sau: Chủ nhiệm Uỷ ban là đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 2 Phó chủ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các ủy viên là các thứ trưởng và tương đương ở các bộ ngành, tổ chức có liên quan; đồng thời không có cơ cấu tổ chức ở địa phương; Văn phòng Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan giúp việc. Luật Thanh niên được Quốc hội Khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 khẳng định địa vị pháp lý của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam “là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên”.
Theo báo cáo đánh giá của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam tại phiên họp lần thứ 18 ngày 4/11/2008, qua hơn 10 năm hoạt động, khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của Uỷ ban là “chưa xác định rõ tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên nên lúng túng trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên và công tác thanh niên”. Đánh giá này cũng thống nhất với hầu hết ý kiến của các bộ, ngành trung ương cho rằng “Uỷ ban quốc gia về thanh niên không thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên được vì Uỷ ban chỉ là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên”. Thực tế là, hiện nay chính quyền địa phương đều không phân công uỷ viên uỷ ban nhân dân và bố trí cán bộ chuyên trách giúp việc theo dõi về công tác thanh niên ở các cấp nên cũng là một khó khăn và hạn chế lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo địa bàn lãnh thổ.
Thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về công tác thanh niên qua các thời kỳ từ ngày thành lập nước đến nay cho thấy, với địa vị pháp lý cũng như tổ chức và nhân sự của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam hiện nay thì không có cơ sở và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện đầy đủ và toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước đòi hỏi phải thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh niên để nắm bắt tình hình và kịp thời đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống lại chưa được quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện. Mặt khác, việc lồng ghép các cơ chế, chính sách đối với thanh niên khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu của các cấp, các ngành về công tác thanh niên của các bộ, ngành và địa phương cần có một cơ quan của Chính phủ làm đầu mối tổ chức thực hiện. Do vậy, để bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện nội dung quản lý nhà nước về công tác thanh niên theo quy định tại Điều 5 của Luật thanh niên cần thiết phải có một cơ quan của Chính phủ thực hiện công việc này để giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên.
2. Một số kiến nghị và đề xuất về việc tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế
Bên cạnh những tồn tại và bất cập về tổ chức bộ máy nhà nước về công tác thanh niên như đã nêu trên, trong thực tế, cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan của Chính phủ về công tác thanh niên cũng chưa được quy định cụ thể rõ ràng nên hiệu quả của việc phối hợp còn hạn chế, chưa gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với mục tiêu phát triển thanh niên. Do vậy, công việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên theo hướng “giao cho một cơ quan của Chính phủ thực hiện đầy đủ và toàn diện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên” để xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên nhằm triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả công tác này. Phương án tổ chức như vậy phù hợp với nội dung của Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII về việc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Việc giao cho một cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên là phù hợp với thực tiễn và bảo đảm được các yêu cầu sau:
Một là, trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên có một số nhiệm vụ như: đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên; nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về công tác thanh niên hiện nay chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, vì vậy cần thiết phải giao cho một cơ quan của Chính phủ thực hiện thống nhất những nhiệm vụ này.
Hai là, việc giao cho một cơ quan của Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh niên sẽ không làm tăng thêm bộ máy và biên chế. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành và theo lãnh thổ, các bộ, cơ quan ngang bộ đều là các cơ quan tham mưu và các cơ quan chuyên môn trực thuộc uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm đầu mối tổ chức triển khai thực hiện theo phân cấp. Do vậy, nếu nhiệm vụ này được giao cho một cơ quan của Chính phủ sẽ bảo đảm về tổ chức bộ máy và nhân sự để triển khai thực hiện được ngay mà không làm phát sinh thêm tổ chức và biên chế, bảo đảm yêu cầu thiết thực và hiệu quả.
Ba là, hiện nay chức năng quản lý nhà nước về công tác phụ nữ được Chính phủ giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện từ tháng 8/2008; đồng thời Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là Chủ nhiệm Uỷ ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Giúp việc cho Uỷ ban có Văn phòng Uỷ ban do Chủ nhiệm Uỷ ban quyết định thành lập. Trong đó, Chánh Văn phòng Uỷ ban là Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Như vậy, theo mô hình này thì tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phụ nữ sẽ gọn hơn và không phát sinh thêm bộ máy và biên chế; đồng thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức phối hợp liên ngành được quy định Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg  ngày 12/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ (khoản 2 và khoản 3 Điều 4 quy định “Tổ chức phối hợp liên ngành không thực hiện chức năng quản lý nhà nước”, “Thủ tướng Chính phủ quyết định là người đứng đầu các tổ chức phối hợp liên ngành khi xét thấy thực sự cần thiết hoặc phân công Phó Thủ tướng Chính phủ. Đối với các trường hợp khác, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là người đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành”) .
Xuất phát từ những phân tích trên đây, việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên theo phương án nêu trên là thiết thực, hiệu quả và bảo đảm tính khả thi, hội tụ đủ các cơ sở pháp lý giúp cho các cơ quan có thẩm quyền quyết định vấn đề này như: Luật thanh niên được Quốc hội Khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Kết luận số 32-KL/TW ngày 20/11/2008 của Bộ Chính trị về những công việc cần cụ thể hoá để triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương bảy khoá X và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ về việc giao Bộ Nội vụ chủ trì chuẩn bị Đề án “tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên”; Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg  ngày 12/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành và chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên quy định tại khoản 20, Điều 2 của Nghị định số 48/2008/NĐ-CP  ngày 17/4/2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Mặt khác, với phương án kiện toàn này, sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định, việc triển khai thực hiện có thể tiến hành được ngay mà không phải thành lập thêm tổ chức mới và không làm phát sinh thêm biên chế hành chính./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét