Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

ĐOÀN THANH NIÊN XUNG KÍCH THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC




NGUYỄN HOÀNG HIỆP
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

T
rong nhiều năm qua, để tăng cường năng lực quản lý của nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta chủ trương cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, toàn diện với mục tiêu góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhiều thành phần phát triển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể hóa mục tiêu trên, Chính phủ đã xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 với 4 nội dung chính: cải cách về thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công. Trong những năm qua, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã đạt được những thành tựu quan trọng: hệ thống thể chế pháp luật từng bước được đổi mới và hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được điều chỉnh từng bước phù hợp với yêu cầu quản lý của nhà nước trong kinh tế thị trường; cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp tinh gọn, hợp lý hơn; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước được nâng lên; phương thức hoạt động của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và ủy ban nhân dân các cấp có bước đổi mới... Những kết quả đó đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thì tiến trình cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả thấp. Hệ thống thể chế pháp luật còn chưa đồng bộ, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chưa phân cấp rõ ràng về chức năng nhiệm vụ giữa các ngành, các địa phương; chế độ công vụ mới chậm hình thành và chất lượng đội ngũ cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của quá trình đổi mới. Thủ tục hành chính còn nặng nề, rườm rà, gây khó khăn cho nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp… Những vấn đề trên cho thấy cải cách hành chính ở nước ta hiện nay không chỉ đơn thuần là cải cách thủ tục hành chính mà còn là công việc của bộ máy hành chính, là đội ngũ công chức hành chính, là xây dựng nền hành chính công... liên quan đến toàn bộ các hoạt động của hệ thống chính trị. Tiến hành các hoạt động cải cách hành chính một cách căn bản, hệ thống, đồng bộ, không chắp vá, làm tăng tính năng động sáng tạo của các cơ quan trong bộ máy hành chính, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước thực sự là Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đứng trước yêu cầu và thực trạng trên, với vai trò là tổ chức chính trị xã hội, đội quân xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh đã cổ vũ, động viên đoàn viên, thanh niên tham gia công cuộc cải cách hành chính nhà nước thông qua phong trào “Thanh niên xung kích tham gia công cuộc cải cách hành chính nhà nước, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp”. Phong trào đã được các cấp bộ đoàn tích cực triển khai, với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia và đạt được một số kết quả bước đầu:
1. Tổ chức các phong trào hành động cách mạng để tập hợp thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, công chức, viên chức trẻ xung kích thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn
- Tổ chức tuyên truyền về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 với nhiều hình thức như: thông qua hệ thống báo chí, phát thanh của đoàn; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ đoàn chủ chốt hiện đang là công chức, viên chức; tổ chức hội thi “Thanh niên với cải cách hành chính”; tổ chức diễn đàn, hội thảo chuyên đề về cải cách hành chính nhà nước “Ngày hội hiến kế các giải pháp hữu ích”, “Công chức trẻ với cải cách hành chính”; phát động và chấm giải cuộc thi viết “Những ý tưởng về cải cách hành chính”. 
- Tham gia đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, đề xuất các ý tưởng, giải pháp góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp như: đảm nhận bộ phận “một cửa”, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, tình nguyện làm thêm giờ, thêm ngày giải quyết các hồ sơ, tài liệu tồn đọng ở các lĩnh vực hành chính với thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất phục vụ nhân dân. Tiêu biểu là Đoàn thanh niên Quận I, thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận thực hiện ISO 9001:2000 “Quản lý hành chính trên mạng điện tử”; Đoàn thanh niên công ty Dược Hậu Giang “Xây dựng mô hình cải cách hành chính hợp lý, hiệu quả”; Đoàn thanh niên Phú Yên thực hiện “đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức trẻ” với phương châm “2 giảm, 3 đúng, 4 tăng” (giảm sai sót thủ tục hành chính, chi tiêu lãng phí; đúng chủ trương, chính sách pháp luật, quy trình kỷ luật lao động, lương tâm trách nhiệm; tăng sức khoẻ, tăng năng suất, chất lượng, tăng sáng kiến, tăng kiến thức tay nghề)…
2. Tham gia cải cách hành chính thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn
Xác định công tác cán bộ là yếu tố quyết định trong mọi công việc, đặc biệt chất lượng đội ngũ cán bộ là công chức, viên chức. Các cấp bộ đoàn đã tích cực phối hợp với các trung tâm chính trị hoặc chủ động mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đoàn khối viên chức từ bí thư chi đoàn trở lên và thực hiện phương pháp giáo dục chủ động, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên.
3. Tham gia xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ
- Công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ đoàn được các cấp bộ chủ động từ việc lựa chọn, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ theo tiêu chuẩn quy định chung. Một số địa phương phối hợp với cấp uỷ xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cử cán bộ biệt phái xuống cơ sở, từng bước hình thành lớp cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình, có chuyên môn nghiệp vụ cao.
- Chế độ chính sách cho cán bộ đoàn cơ sở được quan tâm thiết thực, cụ thể hơn. Nhiều cơ sở, đơn vị đã tham mưu để chính quyền, chuyên môn tạo điều kiện, giải quyết chế độ chính sách, phụ cấp trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ đoàn với các mức độ khác nhau.
- Về tổ chức bộ máy: được kiện toàn theo hướng tinh, gọn, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, khắc phục dần tình trạng chồng chéo và hành chính hoá.
Có thể nói, thông qua các hoạt động trên, nhận thức của cán bộ, công chức trẻ về công cuộc cải cách hành chính nhà nước đã được nâng lên một bước, tổ chức đoàn và đoàn viên thanh niên đã xác định được vai trò, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hoạt động tham gia cải cách hành chính của thanh niên còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số đoàn viên, thanh niên và đội ngũ cán bộ đoàn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ tham gia cải cách hành chính, còn tư tưởng coi cải cách hành chính không phải là việc của thanh niên. Tinh thần, trách nhiệm của thanh niên, của tổ chức đoàn tham gia cải cách hành chính chưa thực sự chủ động, còn né tránh, ngại đề xuất góp ý. Kết quả các hoạt động tham gia cải cách hành chính còn dừng lại ở mức độ nhất định. Một bộ phận cán bộ công chức trẻ chưa thực sự chủ động vươn lên học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học… Đặc biệt vấn đề cải cách hành chính ngay trong nội bộ tổ chức đoàn còn hạn chế.
Trước yêu cầu đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nền hành chính nhà nước cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn với nhận thức cải cách hành chính không tách biệt, gói gọn trong phạm vi nhà nước mà là một chương trình tổng thể của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX đã phát động phong trào “5 xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”, trong đó xác định nội dung “Xung kích tham gia cải cách hành chính”. Triển khai Nghị quyết của Đại hội Đoàn, các tổ chức đoàn tiếp tục đi đầu tham gia vào công cuộc cải cách hành chính, phát huy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung cải cách hành chính tới đông đảo đoàn viên thanh niên thông qua việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; xây dựng đạo đức người cán bộ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; học tập và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, luật pháp của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cở sở, quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trên các phương tiện báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình của Đoàn thanh niên nhằm giới thiệu, phản ánh các hoạt động, phong trào, mô hình cá nhân, tập thể điển hình ở cơ sở hoạt động có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính… với mục tiêu phấn đấu mỗi cán bộ công chức trẻ là một tuyên truyền viên về cải cách hành chính.
Thứ hai, phát động phong trào “3 trách nhiệm” (trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với nhân dân, trách nhiệm với chính mình) trong cán bộ, công chức trẻ và cuộc vận động “Văn hoá doanh nghiệp” trong các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức “Ngày hội hiến kế các giải pháp hữu ích”, ngày hội đăng ký “Sáng kiến cải tiến quy trình chuyên môn, nghiệp vụ”; xây dựng các tổ, đội, nhóm thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia làm thêm giờ để giải quyết các hồ sơ, công việc tồn đọng; các nhóm tư vấn trẻ xuống cơ sở để giải thích, hướng dẫn, giúp người dân nâng cao kiến thức, hiểu thêm về các quy trình, thủ tục hành chính; phát động các đợt thi đua cao điểm gắn với việc thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ của đơn vị như: “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”…
Thứ ba, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- Đổi mới phương pháp công tác của Đoàn: đổi mới từ tư duy công tác thanh niên đến nhận thức đúng và đầy đủ về thanh niên; đổi mới phương pháp tiếp cận, vận động, tư vấn và hướng dẫn thanh niên; đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động của thanh niên.
- Đổi mới phong cách cán bộ đoàn: trong các hoạt động thanh niên, đội ngũ cán bộ đoàn tác động đến thanh niên với vai trò là người hướng dẫn, người tổ chức, người tư vấn, người đối thoại của thanh niên; bản thân họ không hoạt động thay cho thanh niên và càng không phải là “biểu diễn” cho thanh niên xem.
- Đổi mới cách thức chỉ đạo: điều này được thực hiện trước hết ở việc xác định rõ thẩm quyền, cách thức chỉ đạo của mỗi cấp bộ đoàn, của mỗi cơ quan trong cùng một cấp, cần tăng cường hơn tính định hướng, hướng dẫn, kiểm tra của cấp trung ương, năng lực vận dụng và tính chủ động, linh hoạt của cơ sở; tăng cường chỉ đạo trực tuyến, chỉ đạo theo chuyên đề, giảm bớt các hoạt động phô trương kém hiệu quả…
- Đổi mới cách thức, quy trình xử lý công việc: đây là quá trình khó khăn, phức tạp, vừa đảm bảo tính hành chính cần thiết của tổ chức đoàn phù hợp với những khuôn mẫu, quy định chung của thể chế hành chính ở Việt Nam, vừa phải đảm bảo tính quần chúng, tính tiên tiến của tổ chức đoàn với tư cách là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên, do thanh niên và vì thanh niên.
- Đổi mới tổ chức bộ máy và công tác cán bộ: đảm bảo tinh, gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, linh hoạt và thích ứng nhanh với hoàn cảnh, không chồng chéo, không làm thay, “lấn sân” các cơ quan, ngành khác. Yêu cầu đối với cán bộ đoàn là phải hiểu thanh niên, nắm bắt được các nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp thanh niên trong các lĩnh vực, khu vực, đối tượng cụ thể để đưa ra giải pháp thích hợp; phải gắn bó với cơ sở, bám sát đối tượng với tinh thần quần chúng rộng rãi và phương pháp dân vận đặc thù phù hợp với đối tượng; phải biết kết hợp hoạt động vận động thanh niên với tham mưu cho cấp uỷ đảng và vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức (kể cả các cơ quan nhà nước), tạo tính cộng đồng trách nhiệm của xã hội đối với công tác thanh niên./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét