Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

CƠ SỞ LÝ LUẬN TỔ CHỨC HỢP LÝ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG (KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG) Ở NƯỚC TA HIỆN NAY



CƠ SỞ LÝ LUẬN TỔ CHỨC HỢP LÝ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG (KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG) Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

TS. VĂN TẤT THU
Thứ trưởng Bộ Nội vụ

1. Phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ thành nhiều cấp tạo nên tầng nấc trung gian trong bộ máy chính quyền địa phương
Tổ chức các cấp chính quyền, các đơn vị hành chính lãnh thổ của một quốc gia là vấn đề có tính chất cơ bản, nguyên tắc và hệ trọng.
Ở nước ta, việc phân chia dân cư theo lãnh thổ định ra các đơn vị hành chính theo nguyên tắc “nước chia thành tỉnh, tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã” và quá trình triển khai quyền hành pháp tập quyền đã tạo ra một hệ thống tổ chức và quyền hạn của nó “lồng chứa bao hàm nhau”.
Theo cách phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ ở nước ta như vậy hình thành nên ba cấp hành chính địa phương: tỉnh, huyện, xã. Trong ba cấp hành chính đó cấp huyện là cấp trung gian và trên từng cấp hành chính lại phân chia thành các đơn vị hành chính lãnh thổ khác nhau. Trên cơ sở các đơn vị hành chính lãnh thổ, chính quyền địa phương được thành lập bao gồm hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND). Như vậy, chính quyền địa phương ở nước ta được thành lập trên cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã. Việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở cả ba cấp tạo ra một tầng nấc trung gian ở cấp huyện làm ảnh hưởng đến tính thống nhất, thông suốt trong quản lý điều hành của chính quyền địa phương. HĐND với hai tính chất là cơ quan quyền lực và là cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương suy đến cùng là thiết chế đại diện cho cộng đồng dân cư ở địa phương, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương theo phân cấp của Chính phủ và điều kiện cụ thể của địa phương, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính địa phương. UBND do HĐND bầu ra là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. UBND các cấp tạo thành một hệ thống, UBND cấp dưới chịu sự chỉ đạo của UBND cấp trên, UBND cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, UBND là cơ quan song trùng trực thuộc, vừa trực thuộc Chính phủ, vừa trực thuộc HĐND cùng cấp. Tính song trùng trực thuộc này gây cách bức, ảnh hưởng đến tính thống nhất, thông suốt trong quản lý, điều hành của bộ máy hành chính.
Cách phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ thành các cấp và việc tổ chức chính quyền địa phương đầy đủ (cả HĐND và UBND) ở tất cả các đơn vị hành chính lãnh thổ và các cấp hành chính không phù hợp với các nguyên tắc tổ chức quyền lực trong nhà nước đơn nhất. Vì vậy, không tổ chức HĐND ở cấp huyện là tinh giản một số cơ quan đại diện bao hàm trong chính quyền cấp tỉnh, tồn tại trên một cấp hành chính trung gian sẽ đảm bảo cho bộ máy hành chính nhà nước thêm thông suốt, gần dân, sát dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính quyền địa phương ở nước ta được tổ chức trên cơ sở các đơn vị hành chính lãnh thổ mà việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ ở nước ta thành nhiều tầng nấc trung gian, lồng chứa bao hàm nhau trong bộ máy. Do đó, để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương cần phải đổi mới phân chia lại đơn vị hành chính, lãnh thổ ở nước ta một cách hợp lý. Đây là vấn đề cơ bản, tiên quyết để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay.
2. Lý do không tổ chức HĐND huyện, quận
Trong các cấp hành chính địa phương, cấp huyện là cấp trung gian, cấp hành chính nhân tạo. Trên cấp hành chính này trong lịch sử có lúc có HĐND, có lúc không có HĐND chỉ có ủy ban hành chính (UBHC) hoặc UBND. Trong lịch sử ra đời và hoạt động của chính quyền địa phương ở nước ta, cấp huyện là cấp trung gian nhưng nó được hình thành trong điều kiện lịch sử - kinh tế - chính trị nhất định, phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và ý trí chính trị của đảng cầm quyền. Trong điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội chưa phát triển, còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất, kỹ thuật kém phát triển, trình độ, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, hệ thống pháp luật không đầy đủ và đồng bộ, quyền làm chủ của người dân chưa được phát huy đầy đủ, trình độ dân trí thấp… nhất là khi đất nước có chiến tranh thì việc thiết lập các đơn vị hành chính cấp huyện là cần thiết; thậm chí có thời chúng ta coi mỗi đơn vị hành chính cấp huyện là một pháo đài, cả nước có trên 500 pháo đài. Song sự hình thành cấp hành chính trung gian này lại là cơ sở hình thành lên một cấp chính quyền không đầy đủ có tính chất trung gian. Nói đó là cấp chính quyền không đầy đủ vì có lúc nó bao gồm HĐND và UBHC, có lúc chỉ có UBHC. Đồng thời chính sự hình thành cấp chính quyền trung gian này dẫn đến việc tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện là cấp trung gian để quản lý các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn huyện, quận, phải có đội ngũ cán bộ chính quyền, đảng, đoàn thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức của bộ máy cấp huyện và do đó, phải bố trí tài chính, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, duy trì tổ chức và hoạt động của bộ máy cấp huyện. Với quy mô tổ chức bộ máy của 696 huyện, quận hiện nay chi phí cho đội ngũ cán bộ, công chức, cho hoạt động của bộ máy cấp huyện là đáng kể.
Song, chi phí cho bộ máy cấp huyện không phải là lý do chính để tinh giản cấp hành chính trung gian này. Lý do chủ yếu là, nếu để tồn tại HĐND cấp huyện và bộ máy hành chính cấp huyện, tức là để tồn tại một tầng nấc trung gian trong bộ máy chính quyền địa phương, rộng hơn trong bộ máy hành chính nhà nước, làm cho bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả thấp, gây khó khăn, ách tắc cho quản lý điều hành công việc của các cơ quan nhà nước, tạo ra một rào cản hữu hình gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong quá trình xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, chính quyền địa phương và bộ máy hành chính địa phương phải đối mặt với những cơ hội và thách thức phức tạp diễn ra nhanh chóng, cần có sự tập trung thống nhất, đủ sức mạnh và sáng suốt của chính quyền địa phương để có những quyết sách nhanh nhạy, chính xác mới chớp được thời cơ, tạo điều kiện cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Để tồn tại một cấp chính quyền hoạt động có tính chất hình thức, một bộ máy hành chính địa phương trung gian hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả với những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, gây khó khăn và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, chịu trách nhiệm trước người dân mà hoạt động hình thức, kém hiệu lực, hiệu quả, gây khó khăn cho người dân thì không cần thiết để tồn tại.
3. Lý do chỉ bỏ HĐND ở phường, không bỏ HĐND ở xã
Về cấp hành chính, phường và xã tương đương nhau, nhưng thực ra hai đơn vị hành chính này khác ở nhiều mặt. Phường ở địa bàn đô thị, xã trên địa bàn nông thôn. Hai địa bàn đô thị và nông thôn khác nhau ở đặc điểm địa lý và dân cư, ở nếp sống văn hoá và thuần phong mỹ tục. Đời sống kinh tế và các hoạt động có tính chất cộng đồng dân cư ở xã khác ở phường. Xét về đặc điểm hình thành tự nhiên, xã mới là cấp cơ sở, ở xã quan hệ cộng đồng dân cư rất rõ nét. Còn ở đô thị, phường là cánh tay nối dài của chính quyền thành phố, là cơ quan hành chính trong một chính quyền đô thị chứ không phải là chính quyền cơ sở của cộng đồng dân cư cố kết chặt chẽ với nhau như ở làng xã. Đứng về góc độ quản lý, xã là cơ quan quản lý toàn diện hơn. Cụ thể, tư liệu sản xuất quan trọng nhất ở nông thôn là đất đai do xã đứng ra quản lý, ở đô thị chức năng này thuộc cấp quận và thành phố, chức năng của phường chủ yếu là quản lý đô thị. Chính quyền ở xã liên quan toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Còn chính quyền ở phường không liên quan nhiều đến đời sống kinh tế xã hội của phường, chính quyền phường không có chức năng quản lý nhà nước về kinh tế. HĐND phường, như trên đã phân tích, hoạt động rất hình thức, không có thực quyền vì chỉ có thể quyết định lại các vấn đề HĐND quận và thành phố đã quyết định. Do vậy, việc không tổ chức HĐND phường là hợp lý và cần thiết và theo xu hướng phát triển, trong các đô thị lớn hiện nay có thể chỉ còn hai cấp hành chính: một cấp thành phố và cấp dưới thành phố, trong đó cấp dưới thành phố là cấp giúp việc cho chính quyền thành phố. Còn xã là tổ chức cơ sở, tiến tới tổ chức hoạt động theo nguyên tắc chính quyền tự quản, việc duy trì HĐND với tư cách là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân ở cơ sở xã là cần thiết.
4. Lý do không bỏ HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và HĐND xã
Không nên bỏ HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và HĐND xã do vị trí tất yếu của nó trong hệ thống chính quyền ở nước ta:
Như trên đã phân tích, HĐND và UBND (chính quyền địa phương) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hình thành trên các đơn vị hành chính lãnh thổ cấp tỉnh. Xét ở góc độ phân loại đơn vị hành chính lãnh thổ thì tỉnh là đơn vị hành chính lãnh thổ đầu tiên, đơn vị hành chính lãnh thổ lớn nhất; xã là đơn vị hành chính lãnh thổ cuối cùng, là đơn vị hành chính lãnh thổ nhỏ nhất.
Trong mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, giữa cơ quan hành chính trung ương và cơ quan hành chính địa phương thì chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ máy hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mối quan hệ trực tiếp với chính quyền trung ương và bộ máy hành chính trung ương. Ranh giới giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương được xác định từ cấp tỉnh. Mọi sự chỉ đạo và điều hành của trung ương đến chính quyền cấp huyện và cấp xã đều phải thông qua cấp tỉnh. Trung ương không thể bỏ qua cấp tỉnh để chỉ đạo hay triển khai trực tiếp đến cấp huyện và cấp xã. Chính quyền trung ương không thể tổ chức và điều hành công việc của nhà nước đến cấp cơ sở mà phải thông qua cấp hành chính dưới mình là chính quyền hay cấp hành chính tỉnh. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là nơi bắt đầu của chế độ tự chủ địa phương. Việc phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trước tiên và trực tiếp cho chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Những vấn đề tự chủ chung cho một tỉnh được xác định và giải quyết ở HĐND cấp tỉnh. Do đó sự tồn tại đơn vị hành chính lãnh thổ cấp tỉnh - chính quyền cấp tỉnh là cần thiết. Hiện nay HĐND tỉnh, chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn những hạn chế, bất cập thì phải kiện toàn, hoàn thiện, không tinh giảm hay cắt bỏ.
Còn đối với HĐND xã được hình thành trên cơ sở tên đơn vị hành chính lãnh thổ xã - là đơn vị hành chính cuối cùng, nhỏ nhất trong các đơn vị hành chính lãnh thổ ở nước ta hiện nay. Đó là các đơn vị hành chính lãnh thổ tự nhiên, gắn kết chặt chẽ với dân cư ở cơ sở, là cầu nối giữa nhà nước với nhân dân, là nơi nhân dân trực tiếp thực hiện quyền tự quản của mình. HĐND xã là cơ quan đại diện trực tiếp cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân trong xã, chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân trong xã. HĐND xã là cấp chính quyền xã, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều do HĐND xã tổ chức triển khai thực hiện đến từng người dân. Vị trí, vai trò của cấp chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Tổ chức và hoạt động của HĐND xã hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập, hạn chế cần thiết được kiện toàn để HĐND xã thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Thí điểm mô hình tổ chức hợp lý chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND huyện, quận, phường) là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương nhằm phục vụ tốt hơn, có trách nhiệm hơn với người dân địa phương. Đây là chủ trương đúng và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình cải cách, kiện toàn bộ máy nhà nước, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, chính quyền của nhân dân. Trên cơ sở đó xem xét cơ quan, tổ chức hay bộ phận cấu thành nào của bộ máy cần tinh giản hay cần phải hoàn thiện. Tinh giản hay hoàn thiện đều là các giải pháp cần thiết trong kiện toàn tổ chức bộ máy, lựa chọn giải pháp nào đều phải tính toán, cân nhắc cẩn trọng và phải dựa trên những  nguyên tắc, cơ sở khoa học. Cơ quan, tổ chức hay bộ phận nào của bộ máy cần thiết và sự tồn tại của chúng là tất yếu khách quan, thiếu chúng bộ máy sẽ không hoạt động được thì tuyệt nhiên không được tinh giản hay cắt bỏ. Nếu chúng yếu và còn hạn chế, bất cập thì phải hoàn thiện. Ngược lại, cơ quan, tổ chức hay bộ phận nào của bộ máy nếu thấy không cần thiết, tinh giản hay cắt bỏ mà không ảnh hưởng gì đến hoạt động và chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy thì mạnh dạn tinh giản hay cắt bỏ; nếu không sẽ trở thành vật cản gây ách tắc cho hoạt động của bộ máy và gây tốn kém, lãng phí không cần thiết. Từ quan điểm nhận thức như vậy, trong kiện toàn tổ chức hợp lý chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là cần thiết và việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh và xã là bắt buộc, là sự tính toán cân nhắc có cơ sở khoa học của Trung ương Đảng và sự tính toán cân nhắc cẩn trọng đó không ngoài mục đích đảm bảo cho chính quyền của địa phương ở nước ta thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
5. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND huyện, quận, phường) không làm mất quyền đại diện, quyền dân chủ của nhân dân
HĐND ở nước ta được hình thành trên cơ sở các đơn vị hành chính, các cấp hành chính lãnh thổ, dẫn đến có nhiều cơ quan và nhiều đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nhân dân bức xúc, nhân dân đòi hỏi, nhiều đơn thư, kiến nghị của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời. Do có nhiều đại biểu nên nhiều khi nhân dân không rõ từng đại biểu đại diện cho mình đến đâu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chịu trách nhiệm trước mình như thế nào?.
Do có nhiều cơ quan, đại biểu đại diện cho nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn chồng chéo, không rõ ràng nên dẫn đến tình trạng cùng một việc có nhiều cơ quan giám sát, nhiều đại biểu giám sát, cùng một việc nhiều người nói mà hiệu quả giải quyết lại thấp. Chúng ta cần một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Nhưng chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt không phải ở chỗ có bộ máy đồ sộ, có nhiều người đại diện cho dân, mà ở chỗ có bộ máy tổ chức có thực quyền, tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và phục vụ đắc lực nhân dân. Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cũng không sợ người dân mất quyền dân chủ, mất người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, bởi vì người dân vẫn có ít nhất hai người đại biểu là: đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại biểu HĐND thành phố, thị xã thuộc tỉnh, đại biểu HĐND xã và thị trấn đại diện cho mình, giám sát và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là tinh giản một bộ phận, tổ chức trong bộ máy chính quyền địa phương, tuyệt nhiên không làm mất đi quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, không làm yếu đi chính quyền của nhân dân, mà ngược lại sẽ làm cho chính quyền mạnh hơn, bộ máy chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
6. Xây dựng nền kinh tế thị trường yêu cầu giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước và của chính quyền địa phương vào thị trường
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước tôn trọng các qui luật khách quan của thị trường, nhà nước không làm thay thị trường, nhà nước không can thiệp thô bạo vào các hoạt động của thị trường. Nhà nước xây dựng thể chế, các chính sách, công cụ quản lý vĩ mô, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thị trường phát triển, đồng thời kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các thể chế, chính sách của nhà nước để kinh tế thị trường XHCN phát triển theo định hướng của nhà nước. Trong điều kiện thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp cũng phải thay đổi, đổi mới cho phù hợp. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế thuộc chính quyền trung ương là chủ yếu, các cấp chính quyền địa phương làm nhiệm vụ chỉ đạo, thực hiện; chức năng hoạch định chính sách có mức độ và chủ yếu tập trung ở HĐND cấp tỉnh, cấp huyện vai trò rất mờ nhạt, cũng chỉ là cấp trung gian. Nếu vẫn để tồn tại HĐND cấp huyện, quận chỉ thêm một tầng nấc trung gian, cản trở sự phát triển của kinh tế thị trường.
7. Xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển của khoa học công nghệ tạo điều kiện để không tổ chức HĐND huyện, quận, phường
Trong nhà nước pháp quyền mọi người dân và tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước quản lý bằng pháp luật tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; tất cả cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy nhà nước và tất cả người dân đều sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng pháp luật thì cũng không cần nhiều tổ chức bộ máy để giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, bộ máy quản lý của nhà nước sẽ gọn nhẹ đi, chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước sẽ giảm và chuyển giao cho các tổ chức xã hội dân sự. Đồng thời, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc chuyển từ hình thức dân chủ gián tiếp, dân chủ đại diện sang dân chủ trực tiếp. Người dân trực tiếp lựa chọn và bầu ra những người và các cơ quan nhà nước đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Vai trò của các cơ quan dân cử như HĐND các cấp cũng đã có sự thay đổi để đáp ứng với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền. Hơn thế nữa, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, nhất là công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển theo hướng hiện đại, người dân có thể đối thoại trực tiếp với chính phủ, với chính quyền địa phương các cấp, có thể phản ánh mọi tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của mình qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử, mạng internet; trao đổi, đối thoại, giao lưu trực tuyến giữa các cấp chính quyền với người dân được thực hiện nhanh chóng nhờ các công cụ và phương tiện thông tin hiện đại. Trong những điều kiện như vậy không nhất thiết phải có nhiều cấp HĐND như hiện nay. Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình hình và thời đại.
8. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND huyện, quận, phường) sẽ tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi phí cho hoạt động của chính quyền địa phương
Cả nước ta cho đến nay (tính đến 31/12/2008) có 11.804 đơn vị hành chính lãnh thổ, nghĩa là có tổng số 11.804 HĐND các cấp, với tổng số 306.262 đại biểu  HĐND các cấp (trong đó cấp tỉnh 3.852 đại biểu; cấp huyện 23.450 đại biểu; cấp xã 278.960 đại biểu).
Nếu thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thành công và triển khai thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì giảm được 553 HĐND huyện, 46 HĐND quận và 1.326 HĐND phường; tổng số giảm được 1.925 HĐND. Tính trung bình mỗi HĐND quận có 38 đại biểu, mỗi HĐND huyện 35 đại biểu, mỗi HĐND phường 28 đại biểu, nếu không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sẽ giảm được tổng số là (46 x 38) + (553 x 35) + (1.326 x 28) = 58.231 đại biểu; đồng thời giảm được đáng kể bộ máy và cán bộ, công chức của chính quyền huyện, quận, phường.
Về kinh phí cho hoạt động của HĐND, hàng năm nhà nước cấp bình quân cho mỗi HĐND huyện khoảng 350 triệu đồng, HĐND quận khoảng 300 triệu đồng và HĐND phường khoảng 50 triệu đồng. Nếu không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, hàng năm nhà nước sẽ tiết kiệm khoảng  553 x 350 = 193.550 triệu đồng chi cho hoạt động của 553 HĐND huyện, 46 x 300 = 13.800 triệu đồng chi cho hoạt động của 46 HĐND quận và 1.326 x 50 = 66.300 triệu đồng chi cho hoạt động của 1.326 HĐND phường. Tổng kinh phí tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 273.650 triệu đồng, một khoản kinh phí khá lớn, chưa kể kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, xăng xe phục vụ cho các hoạt động của HĐND huyện, quận, phường. Ngoài ra còn phải kể đến việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế và kinh phí chi cho đầu tư trang thiết bị và các hoạt động của UBND huyện, quận, phường khi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Như vậy, nếu không tổ chức HĐND huyện, quận, phường rõ ràng sẽ tinh giảm được biên chế và tiết kiệm được một nguồn đáng kể kinh phí, ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, chúng ta không đặt mục tiêu tinh giản bộ máy, biên chế và tiết kiệm chi tiêu từ ngân sách nhà nước lên hàng đầu, mà mục tiêu lớn hơn cả là đổi mới, tổ chức hợp lý bộ máy của chính quyền địa phương để đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của bộ máy, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp./.


 


Ghi chú:
Tham khảo thêm các bài viết:
-Văn Tất Thu, “Chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về tổ chức hợp lý chính quyền địa phương ở nước ta”, Tạp chí Tổ chức nhà nước số 12/2008, trang 9.
- Văn Tất Thu, ”Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền ở đô thị đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính”, Tạp chí Tổ chức nhà nước số 1/2009, trang 13.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét