Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

VĨNH PHÚC THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG



VĨNH PHÚC THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG


PHẠM QUANG TUỆ[1]



C
ơ chế một cửa về thực hiện thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức bắt đầu hình thành trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Quyết định số 366/HĐBT ngày 7/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành chế độ thẩm định các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/CP ngày 4/5/1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 1995 thành phố Hồ Chí Minh,  thành phố Hà Nội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Quảng Bình... đã chủ động thí điểm thực hiện áp dụng cơ chế giải quyết công việc theo mô hình một cửa hoặc một cửa, một dấu.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010, Vĩnh Phúc đã khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện; cử cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm và tổ chức triển khai cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực như thu hút đầu tư, xây dựng cơ bản, cấp phép… Tiếp đó, thực hiện Quy chế một cửa tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Quyết định 181/2003/QĐ-TTg  ngày 4/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2004 tỉnh đã tổ chức triển khai thí điểm tại 4 sở là: Kế hoạch và Đầu tư,  Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường và 2 huyện, thị: Yên Lạc, Vĩnh Yên. Ngày 5/1/2005  UBND tỉnh ban hành Quy định tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại UBND các cấp theo Quyết định số 2/2005/QĐ-UB và chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa tại 100% cơ quan hành chính. Đến tháng 6/2005, toàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ cơ chế một cửa tại 23 sở, ban, ngành, 9 huyện, thành, thị và 152 xã, phường, thị trấn. Năm 2009, sau khi huyện Mê Linh chuyển về Hà Nội và thành lập mới huyện Sông Lô, cơ chế một cửa được thực hiện tại 20/20 sở, ngành; 9/9 UBND huyện, thành, thị; 137/137 xã, phường, thị trấn với tổng số 83 lĩnh vực. Trong đó: cấp sở là 74 lĩnh vực thuộc các sở, ban, ngành; cấp huyện 5 lĩnh vực (địa chính, xây dựng, đăng ký kinh doanh, chính sách xã hội và chứng thực) và cấp xã 4 lĩnh vực (đất đai, xây dựng, hộ tịch và chứng thực). Đồng thời với việc thực hiện cơ chế một cửa, các huyện, thành, thị và các sở, ngành thực hiện việc rà soát các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tại đơn vị để thực hiện cơ chế một cửa ngày một tốt hơn. UBND tỉnh đã yêu cầu loại bỏ những loại giấy tờ không cần thiết như: không cần photo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu của người mua, bán đưa vào hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc không cần thủ tục công chứng, chứng thực các văn bằng, chứng chỉ trong hồ sơ dự thi tuyển công chức, viên chức...
Ngày 22/6/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg  (thay thế Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg). UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai từ cấp xã lên cấp huyện tại 3 huyện, thị là: huyện Yên Lạc, huyện Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên. Trong quá trình thực hiện đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Từ hiệu quả mô hình trên, đầu năm 2010 UBND tỉnh đã có chủ trương nhân rộng mô hình,  đến nay đã có 9/9 huyện, thành, thị thực hiện mô hình một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai. Đã thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại 3 sở, đó là: Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trong việc cấp đăng ký kinh doanh; Sở Tư pháp trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo và tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong toàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định, số lượng được giải quyết đúng hạn và trước hạn bình quân trong 5 năm (2005-2009) đều đạt trên 95%, chậm so với hạn chỉ là từ 3 - 4%. Việc ghi chép sổ theo dõi tiếp nhận và trả kết quả, phiếu hẹn ở nhiều cơ quan đã đi vào nề nếp. Trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức trực tại bộ phận một cửa toàn tỉnh hiện nay: ở cấp sở có 68 người, đều có trình độ đại học; cấp huyện có 62 người, trong đó: trình độ đại học 51, cao đẳng 5, trung cấp 6. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thực hiện bộ phận một cửa hiện đại tại thành phố Vĩnh Yên, với 7 lĩnh vực giao dịch. Thành phố đã tổ chức xong bộ phận một cửa hiện đại và đưa vào hoạt động từ tháng 7/2010. Để khuyến khích đội ngũ công chức trực tại bộ phận một cửa các cấp, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa các cấp và được hưởng từ tháng 8/2008 với mức từ 160.000-190.000đ/người/ tháng.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của tỉnh đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Phần lớn các thủ tục, hồ sơ hành chính đã được đơn giản hoá, một số thủ tục không còn phù hợp được loại bỏ. Trách nhiệm của tổ chức và cá nhân rõ ràng, mối quan hệ phối hợp trong giải quyết công việc từng bước được phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Điển hình là việc giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết hồ sơ xin cấp phép đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; làm thủ tục cấp mã số thuế và hoàn thuế v.v.. đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đến yêu cầu giải quyết công việc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế như: lãnh đạo một số đơn vị chưa thể hiện quyết tâm cao trong tổ chức và chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, có nơi triển khai cơ chế một cửa còn hình thức. Một số cơ quan chưa niêm yết công khai thủ tục hành chính, phí và lệ phí hoặc mang tính chiếu lệ; việc ghi chép hồ sơ chưa khoa học; tỷ lệ giải quyết hồ sơ ở một số lĩnh vực còn chậm, nhất là trong lĩnh vực đất đai; phòng làm việc của nhiều bộ phận một cửa chưa đủ diện tích theo quy định. Tinh thần, thái độ phục vụ của một số công chức khi giải quyết công việc còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân.
Từ thực tế áp dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông thời gian qua, có thể rút ra bốn bài học kinh nghiệm tại tỉnh Vĩnh Phúc, như sau:
Thứ nhất, người đứng đầu các đơn vị phải thực sự quan tâm, vào cuộc và có quyết tâm cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cùng nhau chung tay cải cách thủ tục hành chính, quan tâm đầu tư về kinh phí, trang thiết bị và bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, tinh thần thái độ và đạo đức công vụ trong thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa.
Thứ hai, bộ phận một cửa cần được trang bị đầy đủ phương tiện và điều kiện làm việc, được bố trí nơi thuận lợi cho tổ chức và công dân đến giao dịch, có quy chế làm việc rõ ràng, xác định rõ các khâu, các bước thuộc quy trình giải quyết, trình tự, thời gian giải quyết, cơ chế phối hợp với các bộ phận liên quan trong quá trình giải quyết công việc tại bộ phận một cửa.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các đơn vị phải được tiến hành thường xuyên để phát hiện, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt, phê phán nhắc nhở, uốn nắn những đơn vị, cá nhân làm chưa tốt.
Thứ tư, cần áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa, nhằm hỗ trợ cho việc liên kết, phối hợp giữa các khâu tác nghiệp, giữa các cơ quan, bộ phận chức năng cùng tham gia xử lý và giải quyết công việc được nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng trong những năm tới được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, rườm rà; hoàn thiện các thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện, giảm tối đa về thủ tục, về thời gian giải quyết công việc, tránh phiền hà cho tổ chức và công dân. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đi vào nề nếp kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức đồng thời tiếp tục hiện đại hoá công sở và công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các sở, ban, ngành và UBND các cấp là góp phần chung tay thực hiện cải cách nền hành chính nhà nước để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn □



[1] Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét