Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO, BỒI DƯỠNG THẾ HỆ THANH NIÊN CHO CÁCH MẠNG



TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO, BỒI DƯỠNG THẾ HỆ THANH NIÊN CHO CÁCH MẠNG

VÕ VĂN HẢI
Học viện Chính trị Quân sự

S
inh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt việc bồi dưỡng, giáo dục thế hệ thanh niên cho cách mạng. Theo Người, thanh niên không chỉ là lực lượng trực tiếp gánh vác và giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là đội ngũ kế cận, nguồn bổ sung để tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí, vai trò của thanh niên trong tiến trình lịch sử và trong từng thời kỳ cách mạng. Đánh giá rất cao vai trò của thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(2). Người coi vận mệnh của nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Người chỉ rõ: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(3). Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành công sức và trí tuệ đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cho cách mạng. Từ khi còn là thầy giáo dạy học ở Trường Dục Thanh, Người đã chú trọng truyền thụ tinh thần yêu nước, kiến thức lịch sử, văn hoá dân tộc, rèn luyện thể chất cho học sinh. Năm 1925, trong Thư gửi thanh niên An Nam, Người viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh”(4). Sau khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, việc đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trong chiến lược cách mạng Việt Nam là vận động, tổ chức và huấn luyện Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đó là cái nôi đào luyện những thanh niên ưu tú của nước ta lúc đó trở thành những lãnh tụ cách mạng kiệt xuất sau này.
Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú kết hợp với lý luận cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập chính quyền cách mạng, Người coi việc xoá mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, nâng cao dân trí là nhiệm vụ thứ hai sau nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ. Người chỉ rõ: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”(5); “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”(6). Người đã đưa ra quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”(7). Tư tưởng “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Người đối với việc đào tạo thế hệ trẻ cho cách mạng. Đó là kế sách lâu bền để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của thanh niên không phải vì họ là lực lượng đông nhất, mà chủ yếu là vì bản chất nhân lực con người theo lứa tuổi. Người nhìn nhận rõ sức mạnh cả về thể chất, tâm hồn và trí tuệ của lứa tuổi thanh niên. Người coi thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu trên các mặt trận: đánh giặc, giữ nước, xây dựng kinh tế, văn hoá, khoa học, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Người nói: “Thanh niên ta ngày nay đã trở thành một đội quân to lớn, hăng hái tiến lên, quyết tâm phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc thân yêu, vì tiến bộ xã hội”(8). Trong tư tưởng và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng; là những người giữ vai trò quyết định trong việc kế thừa, bảo vệ và phát triển truyền thống yêu nước vẻ vang, bản sắc văn hoá dân tộc mà các thế hệ cha anh đi trước để lại. Trong thư gửi các chiến sỹ cảm tử quân, Người viết: “Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại”(9).
Với tầm nhìn xa, trông rộng về lực lượng kế cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian giáo dục, đào tạo, vận động, tập hợp, quan tâm theo dõi, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ để thanh niên từng bước tiến bộ, trưởng thành. Người thường nhắc nhở nhiệm vụ của các thế hệ đi trước là phải thường xuyên chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ đi sau, làm sao để họ tiến bộ hơn mình, có tiến bộ hơn thì xã hội mới phát triển. Chính vì vậy, Người đã căn dặn: phải đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Có như vậy họ mới hội tụ đủ các phẩm chất, năng lực cần thiết cả về nhân lực, trí tuệ lẫn bản lĩnh chính trị, cả về nhân cách, đạo đức lẫn sức khoẻ để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc bồi dưỡng thế hệ trẻ cần phải: “Chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, khoa học kỹ thuật, lao động và sản xuất”(10). Trong đó, Người coi việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên là nội dung quan trọng hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở thanh niên: “Chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta”(11). Theo Người: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lý tưởng cao đẹp mà mỗi người thanh niên Việt Nam phải luôn thấm nhuần và phấn đấu vươn tới. Đối với việc bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng”(12). Đạo đức cách mạng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo đức mới, là phẩm chất không thể thiếu và là cái gốc của con người xã hội chủ nghĩa. Nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Người khuyên nhủ thanh niên: “Phải giữ vững đạo đức cách mạng. Phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi. Phải xung phong trong mọi công tác”(13). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng bồi dưỡng tri thức lý luận, văn hoá, khoa học kỹ thuật cho thanh niên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên phải vừa có đức, vừa có tài. Người coi đây là điều kiện cần và đủ để thanh niên cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước. Người chỉ rõ: “Ngày nay Đảng yêu cầu cán bộ chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn”(14). Vì vậy, để có trình độ trí tuệ cao, có tri thức về mọi mặt, bên cạnh việc trau dồi đạo đức cách mạng, thanh niên cần phải hăng hái học tập, trong đó học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự… sử dụng các tri thức đó để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người viết: “Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt”(15). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi trọng việc bồi dưỡng thể chất cho thế hệ trẻ thanh niên. Theo Người, việc xây dựng nước nhà, thực hiện đời sống mới… tất thảy đều phải có sức khoẻ thì mới thành công. Người dạy: “Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh thì mới có sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước, lợi dân”(16).
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra phương châm, phương pháp bồi dưỡng, giáo dục thanh niên, đó là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Giáo dục thanh niên phải liên hệ với những cuộc đấu tranh xã hội, nhằm giúp họ tránh những cái độc hại, tiêu cực và tiếp thu, học hỏi những cái hay, tiến bộ trong cuộc sống. Chú trọng giúp thanh niên tự giáo dục, lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau.
Để xứng đáng là thế hệ cách mạng cho đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi thanh niên phải ra sức học tập, học tập trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội; học tập qua sách vở và từ chính thực tiễn cuộc sống. Người còn yêu cầu thế hệ trẻ phải luôn tự rèn luyện, tu dưỡng trong thực tiễn nhằm xây dựng, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết để sau này có thể cống hiến được nhiều nhất cho quê hương, cộng đồng và xã hội. Học không phải để làm quan như trong xã hội cũ, mà là “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà”(17). Người nói với thanh niên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”. Người yêu cầu thanh niên phải có tinh thần sẵn sàng: “đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, phải đoàn kết chặt chẽ, kiên trì phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thi đua học tập và lao động sản xuất, góp sức vào xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cho cách mạng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công sức vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thanh niên chính là lực lượng nòng cốt đi đầu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội; đã và đang tích cực xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như mong ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với thế hệ thanh niên. Tiếp nối truyền thống cách mạng, trong những năm qua, thế hệ trẻ thanh niên Việt Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh cách mạng, sức trẻ và sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhiều phong trào thi đua do Trung ương Đoàn phát động như: Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ rèn đức - luyện tài, Thanh niên lập nghiệp… đã mang lại hiệu quả xã hội to lớn, chứng minh rõ tính xung kích, đi đầu của thế hệ trẻ thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đóng góp công sức xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Mặc dù vậy, tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận thanh niên phai nhạt mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, thích hưởng thụ, ngại lao động, chạy theo lối “sống gấp”; tư tưởng ích kỷ, tính toán thiệt hơn, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường đã xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ thanh niên hiện nay. Hơn nữa, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá sự nghiệp đổi mới và phát triển của nước ta. Chúng tập trung tuyên truyền các giá trị tư sản, xuyên tạc, bác bỏ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao chủ nghĩa tư bản, lối sống tự do, thực dụng… nhằm gây rối loạn, hoang mang, dao động, mơ hồ, mất niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, việc quán triệt và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thanh hiên hiện nay càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng thế hệ trẻ thanh niên có đủ đức và tài, “hồng” và “chuyên” để thực sự là người chủ tương lai của nước nhà.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X) ra Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Điều đó thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò thanh niên trong thời kỳ mới và việc thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên cho cách mạng./.


 


Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, Tr.510.
(2), (5), (6) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr.167, 36, 451.
(4) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 2, tr.133.
(3), (10), (12), (15) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr.106, 190, 305, 190.
(7) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 9, tr.222.
(8), (11), (14), Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.504, 372, 313.
(9) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.35.
(13), (16) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 8, tr.263, 264.
(17) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr.399.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét